Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Top 10 xu hướng blockchain sẽ bùng nổ trong năm 2023

time 12 tháng 05, 2023

“Cơn sốt” blockchain vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian qua và tiềm năng từ công nghệ này vẫn đang tiếp tục được khai thác. Bài viết dưới đây sẽ phân tích 10 xu hướng công nghệ Blockchain nổi bật sẽ “thống trị” trong năm 2023.

1. Blockchain là gì? Blockchain hoạt động như thế nào?

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải dữ liệu một cách an toàn, bảo mật, được sử dụng để tạo ra các giao dịch kỹ thuật số mà không cần phải thông qua một bên trung gian thứ ba.

Blockchain hoạt động dựa trên một mạng lưới phân tán, tại đó, giao dịch được ghi lại trong các khối liên tiếp nhau. Mỗi khối chứa thông tin về các giao dịch, cũng như một hàm băm (hash) của khối trước đó. Điều này tạo ra một chuỗi khối (blockchain) không thể bị chỉnh sửa, xóa bỏ hay giả mạo.

2. Top 10 xu hướng blockchain nổi bật trong năm 2023

Blockchain được áp dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm: Tiền điện tử, quản lý chuỗi cung ứng, chứng khoán, bầu cử điện tử, v.v... Dưới đây là 10 xu hướng blockchain nổi bật được kỳ vọng rằng sẽ tạo ra một “thế giới mới” trong năm nay.

Xem thêm bài viết: Ứng dụng Blockchain trong thực tiễn

2.1. Token chứng khoán

Token chứng khoán (Security Token) được coi là một dạng hợp đồng đầu tư với mục đích kêu gọi vốn từ cộng đồng. Trước khi token chứng khoán ra đời, token tiện ích (Utility Token) được phân phối chỉ để cung cấp cho chủ sở hữu những tiện ích nhất định liên quan tới dự án thông qua các đợt ICO (Initial Coin Offering - kêu gọi đầu tư dựa trên số lượng tiền điện tử). Tuy nhiên mô hình ICO bị chỉ trích nặng nề do thiếu hụt về giá trị thực tế và luật lệ lỏng lẻo.

Token chứng khoán được phát hành để loại bỏ các vấn đề bất cập liên quan đến ICO. Loại token này hình thành dựa trên tài sản ảo, được lập trình và đi kèm với các lợi ích của blockchain.

Trái ngược với ICO, với token chứng khoán, nhà đầu tư có thêm nhiều giá trị hơn như: Quyền sở hữu, thu nhập thụ động thông qua cổ tức. Bởi vì mô hình và đặc điểm tương đối quen thuộc, token chứng khoán có thể dùng để xác định lại hoạt động IPO (Initial Public Offering - phát hành lần đầu ra công chúng) bằng cách cung cấp cho người dùng khả năng thanh khoản và hiệu quả cao hơn, kết hợp với quyền truy cập vốn 24/7.

2.2. Chuỗi khối liên hợp

Dựa theo kiến trúc, blockchain được chia thành 3 loại chính là Private Blockchain (chuỗi khối riêng tư), Public Blockchain (chuỗi khối công khai) và Consortium Blockchain (Chuỗi khối liên hợp). Consortium blockchain là một hệ thống bán phân quyền được quản lý bởi nhóm doanh nghiệp chứ không phải một đơn vị duy nhất. Những đơn vị tham gia có thể bao gồm: Ngân hàng Trung ương, Chính phủ, chuỗi cung ứng,…


Cấu trúc cơ bản của một chuỗi khối liên hợp - Ảnh: Internet

Mục tiêu chính của những tổ chức này chính là kết nối, phối hợp với nhau dựa trên tinh thần gắn kết hiệu suất. Thành công của nhiều nền tảng chuỗi khối hiện nay dựa vào cộng đồng của nó. Do đó, việc kéo thêm càng nhiều thành viên tham gia sẽ càng cải thiện đáng kể mức độ liên quan của dữ liệu chung, củng cố tính bảo mật của mạng lưới.

Mô hình chuỗi khối liên hợp chính là mô hình mang lại lợi ích tốt nhất trong các ứng dụng của blockchain. Tại đây, doanh nghiệp tham gia được gọi là “frenemies” (friend và enemy) – tức là vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau.

Chuỗi khối liên hợp thường chú trọng vào 2 mảng: kinh doanh và công nghệ. Đối với kinh doanh, mục tiêu của blockchain là kiến tạo, duy trì nền tảng nhằm giải quyết các bài toán, đáp ứng nhu cầu trong doanh nghiệp.

Một chuỗi khối liên hợp hoạt động mạnh mẽ nhất tại môi trường có nhiều tổ chức cùng ngành. Những tổ chức này yêu cầu một nền tảng chung để thực hiện các giao dịch hoặc chuyển tiếp thông tin. Đối với lĩnh vực công nghệ, blockchain có vai trò tìm kiếm và phát triển các nền tảng công nghệ có thể tái sử dụng nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Loại hình blockchain này được nhiều chuyên gia dự đoán là sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2023.

2.3. Nhóm tài sản thay thế

Ý tưởng “token hóa” tài sản là một trong những xu hướng blockchain hàng đầu trong thời gian gần đây. Bất kỳ loại tài sản có giá trị cao nào như bất động sản, hàng hóa đều có thể được biến thành tài sản kỹ thuật số dùng để giao dịch.

Việc hoán đổi từ tiền điện tử sang tài sản “ảo dựa trên thực tế” trong tương lai sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) để mở rộng thị trường. Từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư, hưởng lợi từ tính thanh khoản cao và sự minh bạch của giao dịch.

2.4. Tiền điện tử Stablecoin

Stablecoin (đồng tiền ổn định) là một loại tiền điện tử được tạo ra để theo dõi giá trị tài sản khác như tiền của Chính phủ (hay còn gọi là fiat money – tiền pháp định. Ví dụ: Tiền pháp định của Việt Nam là VNĐ).

Mục đích của loại đồng token này nhằm đối phó với những biến động của đồng Bitcoin. Nó sở hữu ưu điểm của hầu hết tiền điện tử ngày nay như: Tính bảo mật, quyền riêng tư, sự minh bạch. Bởi vì được “chống lưng” bằng tiền pháp định nên Stablecoin không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thị trường, có giá ổn định và độ tin cậy cao.

Stablecoin được phân chia thành: Stablecoin thế chấp bằng tiền pháp định, Stablecoin thế chấp bằng hàng hóa, Stablecoin thế chấp bằng crypto, Stablecoin không thế chấp.

Hiện nay, có rất nhiều đồng Stablecoin phổ biến như Tether (là một Stablecoin phản ánh giá trị của đồng USD). Song, loại tiền điện tử này không phải không có nhược điểm. Nó bị quản lý tập trung chặt chẽ từ cơ quan Chính phủ, do đó có thể ít thu hút hơn đối với các nhà đầu tư.


Một số đồng Stablecoins phổ biến hiện nay: Tether, USD coin, Binance, DAI, TrueUSD - Ảnh: Internet

Xem thêm bài viết:

2.5. Nền tảng BaaS (Blockchain-as-a-Service)

BaaS là một dịch vụ do bên thứ ba cung cấp, cài đặt, duy trì để người dùng phát triển và lưu trữ các ứng dụng blockchain. Nói ngắn gọn hơn thì nền tảng Baas cho phép khách hàng sử dụng tất cả những tính năng tốt nhất của blockchain mà không cần phải tự xây dựng hệ thống của riêng mình.

Khách hàng có thể truy cập vào dịch vụ trên nền tảng đám mây (cloud), chủ động xây dựng ứng dụng với cơ sở hạ tầng hiện đại, tiên tiến. Với sự phổ biến rộng rãi của mô hình phân phối dịch vụ công nghệ thông tin (Technology-as-a-Service) ngày nay, người dùng cũng có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng về số lượng nền tảng BaaS này trong năm 2023. Minh chứng là một vài tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới hiện nay như Amazon, HUAWEI cũng đã bắt đầu cung cấp nền tảng BaaS đến khách hàng.

2.6. Mô hình đồng tiền kết hợp

Mô hình kết hợp ở đây được xem là việc liên kết chặt chẽ giữa tiền pháp định trong thực tế (fiat) và đồng tiền điện tử (crypto). Trong khi tiền pháp định gần như đang “thống trị” hầu hết các quốc gia, thì cách tiếp cận mang lại thành công chính là kết nối thế giới crypto - fiat lại với nhau bằng cách tạo một đường dẫn (link) điện tử giữa chúng.

Sự chuyển đổi liên tục giữa crypto - fiat rất cần thiết trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính. Cùng với đó, mô hình chuỗi khối kết hợp hứa hẹn sẽ mang lại nhiều ứng dụng thiết thực cho xã hội như: Thực hiện công tác địa chính, công tác bỏ phiếu,…

2.7. Sàn giao dịch dữ liệu (Data Marketplaces)

Sự gia tăng của sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm trở lại đây đòi hỏi vô vàn dữ liệu chất lượng cao nhưng khó thu thập. Để đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp start-up đưa ra khái niệm "sàn giao dịch dữ liệu – data marketplace" - nền tảng dựa trên blockchain, nơi mỗi cá nhân có thể bán dữ liệu mà mình có.

Một trong những nguyên tắc chính của blockchain là dữ liệu không thể bị xóa hoặc thay đổi trên mạng lưới. Do đó, đây sẽ là môi trường đủ an toàn để loại bỏ rủi ro rò rỉ và vi phạm quyền riêng tư.

Loại hình blockchain này được xem là khá hứa hẹn trong tương lai với nhiều dự án lớn trên toàn cầu nói chung cũng như tại thị trường Việt Nam nói riêng.

2.8. Hội tụ Blockchain với công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things)

Theo nghiên cứu của Cisco - Tập đoàn công nghệ nổi tiếng của Mỹ , số lượng thiết bị internet vạn vật - IoT (Internet of Things) sẽ chạm mốc 28,5 tỷ trong ba năm tới. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn đối mặt với một số thách thức liên quan đến bảo mật dữ liệu.

Việc kết hợp với blockchain có thể loại bỏ những vấn đề này bằng cách tạo ra một khung an ninh (security framework) nhằm trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị. Hơn nữa, nền tảng blockchain kết hợp IoT giúp nâng cao quản lý dữ liệu người tiêu dùng, trao cho nhà quản lý nhiều quyền kiểm soát hơn khi chia sẻ thông tin.

Đây được coi là một hệ sinh thái nguyên mẫu cho môi trường M2M (machine-to-machine) trong tương lai, nơi nhiều thiết bị giao tiếp với nhau mà không cần sự can thiệp của con người.

Xêm thêm bài viết: AIoT: Khi Trí tuệ nhân tạo kết hợp với Internet vạn vật


Ứng dụng của công nghệ Blockchain – IoT trong thực tiễn - Ảnh: Internet

2.9. Nền tảng hệ sinh thái phi tập trung

Khái niệm nền tảng hệ sinh thái phi tập trung là khái niệm tương đối mới lạ. Vì vậy, nó tồn tại khá nhiều thách thức và rủi ro tiềm tàng. Mặt khác, cánh cửa cơ hội cũng được mở rộng ra cho mô hình này khi nhiều thử nghiệm thất bại trong những năm trước đã tìm ra khía cạnh cần cải thiện, giúp nền tảng này tiến bộ hơn trong các năm tiếp theo.

Đối với hầu hết các doanh nghiệp B2C, việc tham gia vào thế giới số tương đối dễ dàng. Tuy nhiên doanh nghiệp B2B có thể có tốc độ số hóa chậm hơn. Bằng hợp đồng thông minh (smart contract), blockchain có thể hỗ trợ những doanh nghiệp này dễ dàng xây dựng các hệ sinh thái phức tạp như B2B2C. Nó giúp duy trì hiệu quả giao dịch ngang hàng (P2P - Peer-to-peer), cho phép doanh nghiệp cùng ngành kết nối và xây dựng mô hình kinh doanh mới.

2.10. Blockchain đa kết nối

Blockchain đa kết nối là khả năng chia sẻ thông tin thông qua hàng loạt hệ thống và mạng lưới blockchain. Giao thức tương tác này cho phép người dùng dễ dàng xem, truy cập thông tin xuyên suốt các mạng lưới. Không có một nền tảng toàn năng nào có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của blockchain, nhưng bằng cách tận dụng khả năng của nhiều mạng lưới khác nhau, nhà phát triển có thể tạo ra thêm nhiều giải pháp đa kênh mạnh mẽ.

Trong số ứng dụng của blockchain đa kết nối, không thể không kể đến dịch vụ chuỗi chéo (cross-chain). Đây được xem là một trong những xu hướng blockchain nổi bật trong năm 2023 khi giúp cho việc giao tiếp giữa các chuỗi trong blockchain trở nên dễ dàng hơn.

Theo báo cáo của Tech Jury - chuyên trang công nghệ hàng đầu thế giới, ước tính thị trường blockchain sẽ đạt doanh thu 20 tỷ USD trong năm 2024. Tiềm năng của cross-chain theo đó được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ vô vàn ưu điểm vượt trội mà nó mang lại.

Multichain – Một cầu nối cross-chain phổ biến hàng đầu hiện nay - Internet

Kết luận

Mặc dù blockchain trong những năm qua phải đối mặt với nhiều vấn đề và khủng hoảng, nhưng đây vẫn là một công nghệ đầy hứa hẹn. Trong tương lai, blockchain sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng của mình đến thêm nhiều ngành công nghiệp mới. 10 xu hướng kể trên trong năm 2023 sẽ là bài viết tham khảo giúp các nhà đầu tư xem xét liệu đâu là ứng dụng blockchain phù hợp để theo đuổi trong năm nay.