Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Trí tuệ tăng cường: Những điều bạn cần biết

time 27 tháng 03, 2024

Trí thông minh tăng cường (Augmented intelligence) đã xuất hiện trong cuộc sống con người từ lâu, được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực: Y tế, bán lẻ, nhân sự, tài chính, dịch vụ khách hàng,...

Trí tuệ tăng cường hay trí thông minh tăng cường đề cập đến vai trò hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) trong việc cải thiện khả năng ra quyết định của con người.

Nó khác với quan niệm phổ biến về AI, trong đó, máy tính thay thế con người thực hiện các tác vụ. Là một tập hợp con của trí tuệ nhân tạo, trí tuệ tăng cường tìm cách kết nối con người và máy móc làm việc cùng nhau, thay vì loại bỏ yếu tố con người khỏi một số công việc nhất định.

1. Trí tuệ tăng cường là gì?

Trí tuệ tăng cường (Augmented intelligence) là việc sử dụng công nghệ để nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ, thực hiện phân tích và đưa ra quyết định của con người.

Điều này bao gồm nhiều hoạt động, từ sử dụng máy tính tăng tốc độ tính toán, chạy phần mềm doanh nghiệp phức tạp để hợp lý hóa quy trình kinh doanh do con người xử lý hoặc sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp viết mã (code).

Thuật ngữ trí tuệ tăng cường đôi khi được sử dụng trái ngược với trí tuệ nhân tạo, đặc biệt khi AI tự động (autonomous AI) được sử dụng để thay thế trí thông minh của con người.

Nhưng trên thực tế, hầu hết các ứng dụng AI ngày nay đều tích hợp trí tuệ tăng cường vì con người cũng tham gia vào quá trình nghiên cứu và triển khai AI, cung cấp bối cảnh, dữ liệu đào tạo, cải thiện độ chính xác và đảm bảo an toàn cho công nghệ này.

2. Sự khác biệt giữa AI và trí tuệ tăng cường

Khác biệt chính giữa trí thông minh tăng cường và trí tuệ nhân tạo là sự tự chủ. AI được thiết kế để hoạt động mà không cần sự trợ giúp của con người. AI thường hoạt động trong các tiêu chí rất hẹp và nhằm mục đích tự động hóa công việc thay con người. Ứng dụng của AI đã có mặt trong cuộc sống hàng ngày, quen thuộc nhất là bộ lọc thư rác, trình kiểm tra đạo văn và đề xuất tìm kiếm của Google.

Nhiều trở ngại và thách thức công nghệ cản trở AI nhưng lại không phải là vấn đề đối với trí tuệ tăng cường, vì học máy (ML - Machine learning) của trí tuệ tăng cường không cần phải tham gia vào bất kỳ quá trình ra quyết định nào.

Thay vào đó, trí tuệ tăng cường sẽ phân tích dữ liệu, xem mẫu và báo cáo các mẫu đó cho người dùng. Con người sẽ tận dụng những thông tin hữu ích đó để ra quyết định.

Ví dụ quen thuộc về trí tuệ tăng cường là đề xuất xem video trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội. Thuật toán trí tuệ tăng cường phân tích thói quen, sở thích xem video của người dùng, sau đó đề xuất những nội dung liên quan. Tuy nhiên, người xem có quyền quyết định có nên hành động theo đề xuất của thuật toán hay không.

3. Trí tuệ tăng cường so với AI trong doanh nghiệp

Quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc có nhiều cấp độ và trải qua những giai đoạn khác nhau. Khởi đầu, không có công nghệ nào được sử dụng, con người thực hiện hoàn toàn các tác vụ.

Ở giai đoạn tiếp theo, AI bắt đầu được đưa vào thực tiễn, con người tận dụng chúng để hỗ trợ hoàn thành công việc nhanh chóng. Ví dụ, trình xử lý văn bản giúp việc viết và chỉnh sửa nội dung dễ dàng hơn.

Trong thời điểm này, con người có thể làm việc với các lời nhắc được tạo bởi AI tạo sinh (GenAI - Generative AI) để tự động hóa phần lớn quy trình, sau đó chỉnh sửa kết quả theo yêu cầu thực tế.

Phần cuối của quá trình, hệ thống AI hoàn toàn tự chủ có thể xác định nhu cầu, tự sáng tạo nội dung và tự động công bố kết quả. Vai trò của con người sẽ bị loại bỏ.


ChatGPT là ví dụ cụ thể nhất cho việc ứng dụng GenAI tạo văn bản - Ảnh: Internet

Ngày nay, rất ít người ủng hộ AI hoàn toàn tự chủ, dù là trong nghiên cứu, viết lách, lái xe tự hành, khám chữa bệnh, sản xuất hay điều hành doanh nghiệp. Thực tế, AI vẫn vướng vào những tranh cãi về vấn đề an toàn bảo mật, quản trị, quản lý rủi ro và đạo đức trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, hệ thống AI tự động hoàn toàn là một trong những mục tiêu của GenAI, nhằm mục đích mô phỏng cách con người học hỏi và suy nghĩ.

4. Lợi ích của trí tuệ tăng cường

Một số lợi ích chính của trí tuệ tăng cường gồm có:

  • Rút ngắn thời gian hoàn thành nhiệm vụ.

  • Cung cấp khả năng phân tích nâng cao và hỗ trợ đưa ra quyết định cho nhiều đối tượng hơn.

  • Tăng tốc quá trình phát triển ứng dụng.

  • Đề xuất các đầu vào hoặc các bước tiếp theo trong một quy trình phức tạp.

  • Tóm tắt thông tin một cách ngắn gọn, dễ hiểu.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ tăng cường cũng phải đối mặt với một số thách thức:

  • Giảm động cơ khuyến khích con người học hỏi những kỹ năng cơ bản.

  • Thu hẹp yêu cầu đối với nhân sự mới, những người sau này có thể thay thế các chuyên gia hiện tại khi họ nghỉ hưu.

  • Xuất hiện những thách thức mới trong việc thiết kế trải nghiệm người dùng, cản trở quy trình làm việc thông thường.

  • Quy trình kết hợp giữa con người và AI còn nhiều vấn đề phức tạp.

  • Lo ngại về an toàn bảo mật và quản lý rủi ro nếu không có sự giám sát thích hợp.

5. Ứng dụng của trí tuệ tăng cường

Trí tuệ tăng cường được doanh nghiệp áp dụng theo nhiều cách khác nhau để cải thiện hiệu quả, khả năng ra quyết định và trải nghiệm của khách hàng. Sau đây là một số ví dụ về ứng dụng trí tuệ tăng cường hiện nay:

Xe tự lái điều hướng an toàn

Ô tô tự lái, nghe có vẻ như không cần sự giám sát của con người, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.

Trên thực tế, xe tự hành của Tesla sử dụng trí thông minh tăng cường. Mặc dù phần mềm lái tự động của nó đang được phát triển để ô tô có khả năng tự điều hướng trên đường một cách tự động, nhưng chúng cần có sự can thiệp của con người trong một số trường hợp khẩn cấp (chẳng hạn như ô tô đột ngột lao vào làn đường dành cho đạp).

Phân tích dữ liệu trong bán lẻ

Bán lẻ là ngành có thể hưởng lợi nhiều từ trí tuệ tăng cường. Công nghệ này được sử dụng để phân tích dữ liệu khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp có cơ sở để nâng cấp khu trưng bày sản phẩm phù hợp với thị hiếu, nâng cao trải nghiệm chăm sóc khách hàng và đẩy mạnh tiếp thị nhằm cải thiện hoạt động cả trực tuyến và trực tiếp.

Ngoài ra, một công ty trực quan hóa dữ liệu có tên RadiusAI đã sử dụng trí thông minh tăng cường để đề xuất cho các nhà bán lẻ những “điểm tắc nghẽn” đang xảy ra trong cửa hàng của họ.

Những điểm nghẽn này có thể cản trở việc trưng bày, quảng cáo và bán hàng. Dựa trên đề xuất từ hệ thống trí tuệ tăng cường, con người sẽ quyết định thực hiện thay đổi có lợi và tối ưu hóa hoạt động bán lẻ.

Đề xuất chẩn đoán và điều trị

AI và chăm sóc sức khỏe đã được chứng minh là sự kết hợp lý tưởng. Trí tuệ tăng cường trong ngành chăm sóc sức khỏe cũng như vậy. Với trí tuệ tăng cường, các chuyên gia y tế tìm hiểu dữ liệu bệnh nhân nhanh chóng hơn và nhận được thông tin chuyên sâu, cũng như đề xuất hữu ích từ hệ thống. 

Ví dụ về việc sử dụng trí tuệ tăng cường trong VisualDx. Đây là phần mềm hệ thống hỗ trợ quyết định lâm sàng dành cho các bác sĩ y khoa, bao gồm cả những người hành nghề chăm sóc ban đầu, hỗ trợ chẩn đoán.

Với công nghệ này, bác sĩ da liễu nhận được khuyến nghị về bệnh ngoài da và những vấn đề về da có thể gây ảnh hưởng đến bệnh nhân của họ. VisualDx được sử dụng tại 2.300 bệnh viện và phòng khám, đồng thời sử dụng để giảng dạy tại hơn 90 trường y khoa ở Hoa Kỳ.


VisualDx được tích hợp trí tuệ tăng cường hỗ trợ chăm sóc sức khỏe - Ảnh: Internet

Phân tích xét nghiệm máu phát hiện ung thư

Trí tuệ tăng cường được sử dụng cho nhiều mục đích hơn là chỉ sàng lọc hồ sơ và hình ảnh trong lĩnh vực y tế. Khi công nghệ này được áp dụng vào phân tích bộ dữ liệu xét nghiệm máu, nó thậm chí có thể phát hiện được ung thư.

Công ty công nghệ sinh học Freenome sử dụng phân tích sinh học của các bộ dữ liệu để chọn lọc xét nghiệm máu nhằm tìm kiếm dấu hiệu cảnh báo sớm về bệnh ung thư. Qua kết quả phân tích, bác sĩ cũng được trang bị thêm thông tin để điều trị cho bệnh nhân.

6. Tương lai của trí tuệ tăng cường

Trí tuệ tăng cường và AI sẽ tiếp tục phát triển, được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp cũng như đời sống hàng ngày.

Những cải tiến về AI tự động cũng sẽ thay đổi ranh giới giữa công nghệ này và trí tuệ tăng cường. Nhiều ứng dụng tự động đảm nhận thêm những nhiệm vụ mới, nhưng có thể gây ra những rủi ro liên quan đến sai lệch, ảo giác AI hoặc rò rỉ dữ liệu mà con người đã dự tính trước.

Chính vì vậy, chiến lược quản lý rủi ro AI giúp xác định và phát triển các quy trình nhằm giảm thiểu những vấn đề này. Nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số cần đạt được sự cân bằng phù hợp giữa máy móc tự động hóa hoàn toàn và vai trò của con người.

Trí tuệ tăng cường là một cách hiệu quả để tận dụng trí thông minh của con người kết hợp với sự hỗ trợ của máy móc. Từ đó, giảm thiểu thiên vị và sai sót của cả hai đối tượng, đồng thời nắm bắt nhanh chóng các mô hình và xu hướng.

Mặc dù trí thông minh tăng cường tạo ra những hiểu biết sâu sắc giúp đưa ra quyết định tốt hơn, quá trình đó vẫn cần sự giám sát của con người để kết nối với mục tiêu có tầm nhìn tổng thể. Khi các nhà khoa học tận dụng trí tuệ tăng cường, khả năng cải tiến trong khoa học dữ liệu sẽ cao hơn.

Nguồn tham khảo:

1. https://builtin.com/artificial-intelligence/augmented-intelligence

2. https://www.techtarget.com/searchenterpriseai/definition/augmented-intelligence


GenAI thay đổi cách doanh nghiệp hoạt động
GenAI thay đổi cách doanh nghiệp hoạt động
time 26/04/2024
AI tạo sinh - Generative AI (GenAI) được nhiều doanh nghiệp tận dụng để tăng cường khả năng sáng tạo của con người, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong tổ chức.
GenAI trong giai đoạn số hóa: Cơ hội và thách thức
GenAI trong giai đoạn số hóa: Cơ hội và thách thức
time 26/04/2024
AI tạo sinh (GenAI - Generative AI) cho thấy tiềm năng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển theo nhiều cách. Doanh nghiệp có nhiều cơ hội để ứng dụng GenAI, tuy nhiên cũng cần phải vượt qua nhiều thách thức ban đầu.
Top 11 đồng metaverse coin đáng quan tâm nhất 2024
Top 11 đồng metaverse coin đáng quan tâm nhất 2024
time 17/04/2024
Mỗi đồng metaverse coin đều có thể mang đến cơ hội tham gia vào thế giới kỹ thuật số, đồng thời giúp nhà đầu tư thu lại nguồn lợi nhuận hấp dẫn.
Digital HR là gì? Vai trò của chuyển đổi số trong ngành nhân sự
Digital HR là gì? Vai trò của chuyển đổi số trong ngành nhân sự
time 16/04/2024
Quản trị nhân lực số (Digital HR) ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp và làm sao để phát huy tiềm năng của nguồn nhân lực trong thời đại chuyển đổi số?
Quản trị số là gì? Tìm hiểu về mô hình quản trị số
Quản trị số là gì? Tìm hiểu về mô hình quản trị số
time 15/04/2024
Quản trị số được coi là một trong những hướng đi chiến lược nhằm giúp doanh nghiệp và các tổ chức khu vực công không ngừng đổi mới trong thời đại chuyển đổi số hiện nay.