Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Những vấn đề đạo đức quan trọng trong trí tuệ nhân tạo

time 28 tháng 12, 2023

Trí tuệ nhân tạo AI đã và đang tạo ra những sự thay đổi nhanh chóng trong xã hội con người. Cũng chính vì vậy, đạo đức của AI trở thành một trong những mối quan tâm lớn hiện nay.

Không ai có thể phủ nhận những đóng góp của AI đối với sự phát triển trong cuộc sống hiện đại. Chắc chắn, công nghệ này cũng sẽ góp phần lớn định hình lại xã hội trong tương lai.

Trí tuệ nhân tạo là sự hiện diện bên ngoài của trí thông minh con người, thay thế con người thực hiện nhiều công việc. Vậy, đạo đức AI có những vấn đề nào cần chú trọng? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong nội dung dưới đây.

Sơ lược về Trí tuệ nhân tạo?

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực khoa học máy tính rộng lớn liên quan đến việc tạo ra những cỗ máy thông minh, có khả năng thực hiện các hoạt động mà thông thường đòi hỏi trí thông minh của con người. 

Trí tuệ nhân tạo cho phép máy móc hành động, “suy nghĩ” bắt chước, thậm chí vượt qua khả năng của trí óc con người. Từ ô tô tự lái cho đến sự phát triển của trợ lý thông minh như Siri và Alexa, AI đang nhanh chóng trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày.

Học máy (ML - Machine learning) là một tập hợp con của trí tuệ nhân tạo đề cập đến khái niệm rằng chương trình máy tính có thể tự động học hỏi và thích ứng với dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người. Phương pháp học sâu (Deep learning) tạo điều kiện cho việc học tự chủ bằng cách hấp thụ khối lượng lớn dữ liệu phi cấu trúc như văn bản, ảnh hoặc video.

Nói chung, hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến chức năng nhận thức của con người, chẳng hạn như giải thích giọng nói, chơi trò chơi và nhận dạng mẫu.

Chúng thường học hỏi thông qua sàng lọc khối lượng dữ liệu khổng lồ, tìm kiếm và lập mô hình cho việc ra quyết định. Con người thường sẽ giám sát quá trình học tập của AI, đồng thời ủng hộ hoặc từ chối những quyết định do AI tạo ra. Tuy nhiên, một số hệ thống AI được thiết kế để học mà không cần giám sát, chẳng hạn như chơi liên tục một trò chơi điện tử cho đến khi chúng tìm ra quy tắc và cách giành chiến thắng.

Xem thêm bài viết:

Những vấn đề đạo đức của AI

Hệ thống máy móc thông minh đang thay đổi cuộc sống con người theo chiều hướng tốt đẹp hơn mỗi ngày. Thế giới của chúng ta sẽ trở nên hiệu quả hơn khi các hệ thống này trở nên có “năng lực” hơn.

Một số gã khổng lồ công nghệ ngày nay tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) nên được sử dụng rộng rãi hơn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề về đạo đức và đánh giá rủi ro phải được giải quyết trước khi điều này trở thành hiện thực.

1. An toàn kỹ thuật

Điều đầu tiên cần quan tâm về bất kỳ công nghệ nào là liệu nó có hoạt động an toàn và hiệu quả không. Liệu các hệ thống AI có thực hiện được đúng chức năng theo cam kết của nhà cung cấp hay sẽ thất bại? Hậu quả của những thất bại như vậy sẽ là gì nếu xảy ra? Và nếu ứng dụng hệ thống AI đó trong thực tế, liệu con người có thể tồn tại nếu không có chúng trong tương lai?

Ví dụ, một số người đã thiệt mạng trong những vụ tai nạn ô tô bán tự động, khi ô tô tự lái gặp phải tình huống không thể đưa ra quyết định an toàn. Mặc dù các hợp đồng đã quy định rất chi tiết nhằm giới hạn trách nhiệm pháp lý của nhà sản xuất, nhưng từ quan điểm đạo đức, trách nhiệm nhiều phần thuộc về phía công ty cung cấp sản phẩm mà bản thân hợp đồng có thể bị coi là một kế hoạch phi đạo đức nhằm trốn tránh trách nhiệm chính đáng.

Vấn đề thiếu an toàn và sai sót kỹ thuật khác với việc sản phẩm, công nghệ đó được sử dụng cho mục đích tốt hay xấu. Đây chỉ là một câu hỏi về mức độ hoàn thiện chức năng, nhưng nó là nền tảng để tiếp tục phân tích những vấn đề liên quan khác.


Xe tự hành có thể gây tai nạn nếu gặp lỗi kỹ thuật - Ảnh: Internet

2. Bất bình đẳng

Hệ thống kinh tế ngày nay được thành lập dựa trên thù lao cho những đóng góp của con người, thường được đo bằng tiền lương theo giờ. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp có thể giảm đi đáng kể sự phụ thuộc vào lực lượng lao động con người, dẫn đến ít người nhận được thu nhập hơn.

Kết quả là, những người có quyền sở hữu trong các doanh nghiệp ứng dụng AI sẽ thu được nguồn lợi nhuận lớn, trong khi nhiều lao động thất nghiệp do không thể cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo.

Thế giới đã và đang chứng kiến ​​sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, với việc những người sáng lập công ty khởi nghiệp thu được một phần thặng dư kinh tế không tương xứng với giá trị mà họ tạo ra. Năm 2014, ba công ty lớn nhất ở Detroit và ba tập đoàn lớn nhất ở Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ có doanh thu gần như tương đương nhau nhưng ở Thung lũng Silicon, số lượng nhân viên ít hơn 10 lần.

Xem thêm bài viết: Robot AI có thể thay thế con người trong tương lai?

3. Sai lầm gây hại

Học tập tạo ra trí thông minh, cho dù đối với con người hay máy móc. Các hệ thống thường phải trải qua giai đoạn huấn luyện, trong đó chúng "học" cách nhận biết mẫu chính xác và cách hành xử để phản hồi thông tin đầu. Sau giai đoạn huấn luyện, hệ thống chuyển sang giai đoạn thử nghiệm, trong đó kịch bản bổ sung được đưa ra để xem xét nó hoạt động như thế nào.

Vì rất khó, thậm chí gần như không thể huấn luyện tất cả tình huống có thể sẽ gặp phải trong thế giới thực, hệ thống AI dễ bị đánh lừa, gây ra nhầm lẫn trong quá trình ra quyết định.

Do đó, nếu muốn dựa vào AI để thay thế sức lao động của con người, cần phải đảm bảo rằng nó hoạt động như dự định và không thể bị chi phối bởi những người có động cơ ích kỷ.

4. Tính minh bạch và bảo mật

Liệu con người đã thực sự hiểu cách thức công nghệ hoạt động và thu thập dữ liệu nào đó khi hệ thống đang hoạt động bình thường không? Phân tích đạo đức luôn bắt đầu bằng việc thu thập thông tin. Chỉ khi đó việc đánh giá mới có thể bắt đầu.

Một số kỹ thuật học máy, chẳng hạn như học sâu trong mạng lưới thần kinh, gây khó khăn cho con người trong việc tìm hiểu lý do tại sao hệ thống lại đưa ra lựa chọn như vậy ở một số tình huống. Những trường hợp khác, máy móc có thể đưa ra một số lời giải thích nhưng lại quá phức tạp để con người có thể hiểu được. Điều này khiến cho tính minh bạch của những quyết định do máy móc tạo ra bị giảm sút.

5. Khả năng tương tác

Các chatbot AI ngày càng trở nên thành thạo trong việc mô phỏng sự tương tác và các mối quan hệ của con người. Eugene Goostman - một bot trí tuệ nhân tạo, đã giành chiến thắng trong phép thử Turing (một bài kiểm tra khả năng trí tuệ của máy tính) lần đầu tiên vào năm 2015.

Trong phép thử, giám khảo sử dụng kiểu nhập văn bản để tương tác với một thực thể không xác định, sau đó đánh giá xem họ đang trò chuyện với con người hay máy móc. Hơn một nửa số người tham gia đánh giá đã cho rằng họ nói chuyện với một người thật khi tương tác với Eugene Goostman.

Đây chỉ là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mà chúng ta sẽ thường xuyên sử dụng máy móc như thể chúng là con người, cho dù là trong dịch vụ chăm sóc khách hàng hay bán hàng. Trong khi con người bị hạn chế về lượng thời gian và sự chú ý có thể dành cho người khác, thì robot nhân tạo có thể dành nguồn lực gần như không giới hạn để phát triển và duy trì các mối quan hệ.


Eugene Goostman có thể tương tác với con người vô cùng trôi chảy - Ảnh: Internet

6. Năng lực

Mục tiêu chính của AI, giống như bất kỳ công nghệ nào khác, là giúp con người sống lâu hơn, thịnh vượng hơn và có cuộc sống bổ ích hơn. Miễn là AI hỗ trợ con người theo những cách tích cực, chúng ta có thể tận dụng những lợi ích mà nó mang lại.

Khảo cổ học, nghiên cứu y sinh, truyền thông, phân tích dữ liệu, giáo dục, sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, tài chính, dịch vụ pháp lý, chẩn đoán y tế, quản lý tài nguyên, khám phá không gian, giao thông vận tải, quản lý chất thải và rất nhiều lĩnh vực khác có thể được hưởng lợi từ trí thông minh ngày càng tăng của AI.

7. Phân biệt chủng tộc

Mặc dù trí tuệ nhân tạo có tốc độ và khả năng xử lý cao hơn nhiều so với con người nhưng không phải lúc nào nó cũng được tin cậy là công bằng và trung lập. Google và công ty mẹ Alphabet là một trong những công ty dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo, bằng chứng là Google Photos đã sử dụng AI để nhận dạng con người, đồ vật và cảnh vật.

Tuy nhiên, một số trường hợp xấu có thể xảy ra. Chẳng hạn như khi tính năng nhạy cảm với vấn nạn chủng tộc của máy ảnh bị tắt hoặc khi phần mềm được sử dụng để dự đoán những kẻ phạm tội trong tương lai có biểu hiện thiên vị đối với người da đen, kết quả đưa ra sẽ không đảm bảo được sự công bằng.

Chúng ta phải nhớ rằng hệ thống AI được thiết kế bởi con người, những người có thể thiên vị và hay phán xét. Nếu công nghệ được sử dụng đúng cách bởi những người tìm kiếm sự tiến bộ xã hội, trí tuệ nhân tạo có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho những thay đổi tích cực.

Trên đây là một số vấn đề về đạo đức mà AI có thể gặp trong quá trình ứng dụng vào cuộc sống hiện đại. Khi chúng ta chấp nhận máy móc là những thực thể có khả năng nhận thức, cảm xúc và hành động, việc xem xét vị thế pháp lý của chúng là điều cần thiết. Trí tuệ nhân tạo còn nhiều triển vọng để khai thác và việc triển khai nó một cách có trách nhiệm là tùy thuộc vào chúng ta.

Nguồn tham khảo: 

https://www.analyticssteps.com/blogs/top-7-ethical-issues-artificial-intelligence