Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Chuyển đổi số là gì? Tại sao phải chuyển đổi số?

time 07 tháng 04, 2023

Chuyển đổi số hiện đang là một trong những khái niệm được quan tâm hàng đầu của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam. Vậy chuyển số là gì? Chuyển đổi số mang lại những lợi ích như thế nào?


Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự thay đổi này mang lại cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại, phát triển.

Vậy, chuyển đổi số là gì?

Chưa có một định nghĩa hoàn toàn chính xác và rõ ràng về chuyển đổi số. Tuy nhiên, có thể hiểu:

Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả mọi lĩnh vực, hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, thay đổi căn bản cách vận hành bên trong và mang lại giá trị cho khách hàng/người sử dụng sản phẩm, dịch vụ bên ngoài. Đó cũng là một sự thay đổi về văn hóa nội bộ, đòi hỏi các  tổ chức phải sẵn sàng đương đầu với thử thách và chấp nhận mắc lỗi hoặc thất bại trong quá trình thử nghiệm.

Vào thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, tại các thành phố thông minh (smart city), chuyển đổi số là bắt buộc đối với tất cả doanh nghiệp, tổ chức từ nhỏ đến lớn, nhằm duy trì tính cạnh tranh và phù hợp khi thế giới ngày càng trở nên “thông minh” hơn.

Những năm gần đây, đại dịch COVID-19 thúc đẩy sự cấp bách trong việc đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số, buộc nhiều tổ chức phải tăng tốc hơn nữa. Tốc độ chuyển đổi số tại những tổ chức khác nhau có thể không đồng đều. Điều này hoàn toàn bình thường. Vì vậy, làm thế nào để nhanh chóng vượt qua những trở ngại ban đầu và bắt tay vào quá trình chuyển đổi số hiệu quả, đó cũng là bài toán mà nhiều tổ chức đang tìm cách lý giải.

Tại sao chuyển đổi số lại quan trọng?

Một tổ chức có thể thực hiện chuyển đổi số vì nhiều lý do. Nhưng ở thời điểm hiện tại, lý do lớn nhất có thể nhắc đến, đó là vấn đề sống còn.

Đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, khiến cả thế giới hiểu ra một vấn đề: Khả năng thích ứng nhanh chóng của cả cộng đồng, cũng như các tổ chức, với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, áp lực thị trường và sự thay đổi kỳ vọng của khách hàng,... cần được nâng cao hơn nữa nhờ chuyển đổi số.

Hành vi của người tiêu dùng đã có nhiều sự thay đổi kể từ khi bắt đầu đại dịch. Hệ thống tự động được tận dụng tối ưu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong quản lý chuỗi cung ứng (Chuỗi cung ứng bị phá vỡ khi phải đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của cả cung và cầu - một thực tế mà hầu hết các quốc gia trên thế giới phải đối mặt).

Các nghiên cứu cũng như thực tế triển khai cho thấy, không chỉ nâng cao khả năng thích ứng, chuyển đổi số còn có lợi ích đối với mọi mặt hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp: Nghiên cứu, điều hành quản lý, kinh doanh,...

Đối với Chính phủ

Chuyển đổi số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn, hạn chế tham nhũng, từ đó kiến tạo một xã hội phát triển bền vững. Lấy ví dụ về việc điều chuyển hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước lên môi trường số: Thay vì tiến hành kiểm tra trực tiếp, thủ công tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh theo phương pháp truyền thống, đơn vị chức năng thực hiện thanh tra trực tuyến, thông qua các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được kết nối.


Chính phủ điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, cung cấp các dịch vụ công cộng - Ảnh: Internet

Đối với doanh nghiệp

Chuyển đổi số giúp cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng, giữ chân khách hàng lâu hơn, rút ngắn quá trình ra quyết định nhờ hệ thống báo cáo thông suốt và kịp thời, tối ưu hóa năng suất lao động của con người, máy móc,... Những điều này góp phần tăng hiệu quả hoạt động của cả tổ chức, doanh nghiệp.

Đối với cư dân tại thành phố

Chuyển đổi số làm thay đổi thói quen sinh sống, làm việc, học tập, di chuyển, mua sắm,... của cư dân. Ngày càng nhiều những tiện ích khiến cuộc sống của con người trở nên hiện đại, thuận tiện, an toàn. Khi mọi thứ được tự động hóa, những vấn đề, nhu cầu của người dân sẽ được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Chuyển đổi số loại bỏ thời gian chờ đợi do những cuộc hội thoại dư thừa, phản hồi chậm, bỏ lỡ thông tin và chia sẻ ý tưởng không hiệu quả. Khi toàn bộ thông tin được số hóa, cư dân có thể dễ dàng truy cập, tìm kiếm để nắm được dịch vụ, sự kiện diễn ra tại thành phố.

Trong doanh nghiệp, chuyển đổi số nâng cao năng suất lao động của nhân viên, hạn chế những sai sót của con người trong các công việc: Nhập dữ liệu, kiểm tra sản phẩm lỗi, đóng gói,... Đồng thời, máy móc cũng giúp con người thực hiện những công việc nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao.

Công nghệ chuyển đổi số tại thành phố thông minh

Công nghệ là bàn đạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và hỗ trợ số hóa một tổ chức. Mặc dù không có ứng dụng hoặc công nghệ đơn lẻ nào có thể cho phép chuyển đổi hoàn toàn, nhưng một số công nghệ đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình này.

  • Điện toán đám mây: Cho phép các thành viên trong tổ chức truy cập nhanh chóng vào hệ thống, phần mềm, sử dụng chức năng và bản cập nhật mới, đồng thời lưu trữ dữ liệu mọi lúc, mọi nơi.

  • Phổ thông hóa công nghệ thông tin: Mang lại cho tổ chức khả năng tập trung nguồn tài chính và nhân lực vào việc tùy chỉnh công nghệ thông tin, giúp phân biệt, tạo lợi thế cạnh tranh cho tổ chức đó trên thị trường.

  • Nền tảng di động: Cho phép công việc diễn ra mọi lúc, mọi nơi.

  • Học máy và trí tuệ nhân tạo (AI): Khi có sự hỗ trợ của chương trình dữ liệu toàn diện, tổ chức sẽ được cung cấp thông tin chi tiết để đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác hơn về bán hàng, tiếp thị, phát triển sản phẩm và nhiều lĩnh vực chiến lược khác.

  • Tự động hóa: Triển khai robot có thể xử lý tức thì nhiều tác vụ thông thường, lặp đi lặp lại thuận tiện, tiết kiệm thời gian, cũng như hạn chế sai sót hơn so với con người. Nhờ đó, nguồn nhân lực có thể được tận dụng trong những công việc nâng cao, đòi hỏi nhiều chất xám và kỹ năng hơn.

Bên cạnh đó, nhiều công nghệ thế hệ mới khác cũng tham gia vào quá trình chuyển đổi hóa, bao gồm: Chuỗi khối (Blockchain), thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR),...

Hành trình chuyển đổi số tại Việt Nam

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam đặt ra mục tiêu kép: “... vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”.

Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, cần hoàn thành những nhiệm vụ, giải pháp nền móng chuyển đổi số, bao gồm:

  • Chuyển đổi nhận thức: Toàn xã hội, cộng đồng, tổ chức, cá nhân nhận ra tầm quan trọng, sự cần thiết và tính cấp bách của chuyển đổi số.

  • Kiến tạo thể chế: Khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh.

  • Phát triển hạ tầng số: Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng, đảm bảo an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.

  • Phát triển nền tảng số: Thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị, mang lại những lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng số được tích hợp chức năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng.

  • Tạo lập niềm tin vào tiến trình chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số thông qua hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo đó, nước ta hướng đến đổi mới toàn diện trên mọi phương diện, bao gồm hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thói quen sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Trước mắt, một số ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số có thể kể đến: Lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Trên thế giới, 56% doanh nghiệp nhận thấy khả năng cạnh tranh đang thay đổi và chuyển đổi số đã giúp họ gia tăng lợi thế. Chỉ khoảng 3% doanh nghiệp chưa thật sự nhìn thấy được sự cần thiết của chuyển đổi số. Tuy nhiên, con số này lại khá khác biệt tại Việt Nam.

Ở nước ta hiện nay, khoảng 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được trọn vẹn, đúng đắn về vai trò của chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi lẽ, chỉ 31% doanh nghiệp đang ở bước đầu của chuyển đổi số, 53% đang ở giai đoạn quan sát, chỉ 3% đã hoàn thiện cơ bản quá trình này.

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số do sự thiếu thốn trong kỹ năng số - nhân lực, nền tảng công nghệ thông tin, tư duy kỹ thuật số hoặc thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong nội bộ,... Do đó, cần có những biện pháp thiết thực hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển theo định hướng mong muốn.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh tại Việt Nam và trên toàn thế giới, có thể thấy được, chuyển đổi số không phải xu hướng mà thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn của quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức để tồn tại, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong 10 - 15 năm sắp tới.