Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Thu phí không dừng Viettel (ePass): Những điều cần biết

time 30 tháng 09, 2023

Thẻ ePass là một trong những loại thẻ thu phí không dừng phổ biến nhất hiện nay. Có nên dán thẻ ePass không? Dán thẻ ePass mất bao nhiêu tiền? Đó là những câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Kể từ ngày 01/08/2022, theo quy định, phương tiện phải dán thẻ định danh ETC (Electronic Toll Collection - Thu phí không dừng) mới được phép di chuyển trên các tuyến cao tốc. Như vậy, để lưu thông thuận tiện và nhanh chóng, các phương tiện cần đăng ký và dán thẻ thu phí không dừng.

Thẻ thu phí không dừng ePass là một trong 2 loại thẻ định danh phổ biến nhất hiện nay, bên cạnh thẻ thu phí không dừng E-tag (VETC cung cấp). Do chỉ được phép dán 1 loại thẻ lên phương tiện, do đó, tài xế cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn đơn vị cung cấp phù hợp.

1. Dịch vụ thu phí không dừng ePass là gì?

Dịch vụ ePass là dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Ứng dụng công nghệ RFID -  Radio Frequency Identification (Nhận diện qua tần sóng vô tuyến), thu phí không dừng ePass giúp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí không phải dừng chờ thanh toán tiền mặt như thu phí truyền thống.

Dịch vụ ePass được Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC - Thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel) xây dựng hệ thống và triển khai vận hành toàn tại thị trường Việt Nam. Do đó, thẻ ePass còn được gọi là Thẻ thu phí không dừng Viettel để phân biệt với Thẻ thu phí không dừng VETC.

2. Có nên dán thẻ thu phí không dừng ePass không?

Là công nghệ mới được triển khai, dịch vụ thu phí không dừng ePass - Viettel được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng:

  • Giúp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí không phải dừng lại để chờ thanh toán bằng tiền mặt, giảm thời gian qua trạm khoảng 60 lần.

  • Giảm tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm, tai nạn, tiết kiệm nhiên liệu tiêu thụ do dừng đỗ.

  • Hỗ trợ tìm kiếm các dịch vụ khác phục vụ cho tài xế như: Nhà hàng/Quán ăn, Khách sạn/Nhà nghỉ, Bệnh viện/Hiệu thuốc, Quán cafe,…

3. Dán thẻ thu phí không dừng ePass ở đâu?

Có hai cách để khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ và dán thẻ thu phí không dừng ePass: Trực tiếp và Online.

Với hình thức đăng ký thu phí không dừng ePass trực tiếp, khách hàng có thể đến hệ thống các cửa hàng Viettel Store, Viettel Post, trạm thu phí BOT do VDTC quản lý và các trạm đăng kiểm xe cơ giới có liên kết với VDTC trên khắp cả nước. Nhờ có mạng lưới địa điểm cung cấp dịch vụ đa dạng, tài xế dễ dàng tìm được điểm dán thẻ gần nơi sinh sống.

Ngoài ra, tài xế cũng có thể đăng ký dán thẻ định danh ePass thông qua hình thức online trên website chính thức của VDTC hoặc ứng dụng ePass trên điện thoại.

Xem thêm bài viết:

Nhìn chung, hiện nay, dán thẻ thu phí không dừng rất thuận tiện. Khách hàng không mất quá nhiều thời gian, công sức để có thể sử dụng hình thức thu phí tiện lợi này.


Dán thẻ thu phí không dừng trực tiếp tại điểm cung cấp dịch vụ - Ảnh: Internet

4. Những câu hỏi thường gặp khi dán thẻ định danh ePass

Đăng ký thẻ thu phí không dừng ePass bao nhiêu tiền?

Theo thông tin do VDTC cung cấp, chi phí dán thẻ định danh ePass như sau:

  • Từ ngày 25/07/2022 phí dán thẻ và kích hoạt mới tài khoản giao thông ePass là 120.000 vnđ/lần (Đã bao gồm VAT).

  • Từ ngày 05/07/2022 VDTC thu phí dán lại thẻ ePass, phí dán lại thẻ do bị bóc, bong tróc là 120.000vnđ/lần (Đã bao gồm VAT).

Dán thẻ ePass cần những giấy tờ gì?

Để đăng ký dán thẻ thu phí không dừng ePass, khách hàng cần chuẩn bị giấy tờ cần thiết như sau:

  • Chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu

  • Giấy đăng ký phương tiện.

  • Giấy đăng kiểm phương tiện kèm 1 hình ảnh chụp chính diện xe, rõ biển số.

Khách hàng lưu ý chuẩn bị giấy tờ hợp lệ. Trong trường hợp CMND hết hạn (quá 15 năm), khách hàng sẽ không được đăng ký mở tài khoản ePass. Thay vào đó, có thể sử dụng một số loại giấy tờ tùy thân khác như: Căn cước công dân, hộ chiếu (còn thời hạn).

Xe mới chưa đăng ký, chưa đăng kiểm có được dán thẻ ePass không?

Theo quy định hiện tại, phương tiện mới mua thiếu đăng ký, đăng kiểm xe tạm thời chưa sử dụng được dịch vụ thu phí không dừng ePass.

Xem thêm bài viết:

Dán thẻ ePass có qua được trạm VETC không?

Hiện tại, tất cả các trạm thu phí của VETC và VDTC đều liên thông với nhau. Do đó, phương tiện chỉ cần dán 1 trong 2 loại thẻ đã được phép di chuyển qua các trạm thu phí không dừng.

Chủ phương tiện cũng cần lưu ý, chỉ được dán 1 loại thẻ lên phương tiện. Trường hợp muốn thay đổi đơn vị cung cấp khác, khách hàng cần liên hệ để hủy tài khoản cũ trước.

Xem thêm Danh sách các trạm thu phí không dừng ePass và VETC TẠI ĐÂY.


Phương tiện dán thẻ ePass hoàn toàn có thể lưu thông qua trạm VETC - Ảnh: Internet

Bóc thẻ ePass/thẻ ePass bong có dán lại được không?

Thẻ thu phí không dừng ePass có thể bị hỏng, bong do bị bóc hoặc ảnh hưởng từ môi trường thời tiết.

Nếu bị bong hoặc bóc, thẻ sẽ không tiếp tục sử dụng được nữa. Do vậy, khách hàng cần tới các điểm dịch vụ Viettel và yêu cầu dán lại thẻ ETC.

Dán lại thẻ ePass có mất phí không?

Như đã nhắc đến ở trên, phí dán lại thẻ ePass là 120.000 VNĐ (Giá dán lại thẻ đã bao gồm VAT).

Dán lại thẻ áp dụng cho những trường hợp khách hàng đã có thông tin xe trên hệ thống có lịch sử check-in ETC thành công từ 3 lần trở lên từ khi kích hoạt, chưa từng có lịch sử hủy xe, không nằm trong tập xác định thẻ lỗi của VDTC xác định.

Nạp tiền vào tài khoản ePass như thế nào?

Phương thức nạp tiền vào tài khoản ePass rất đa dạng, từ online đến trực tiếp. Với hình thức nạp tiền trực tiếp, khách hàng tới các điểm dịch vụ tại trạm thu phí BOT do VDTC quản lý và yêu cầu nạp tiền vào tài khoản ePass. Để nạp tiền, khách hàng cần cung cấp chính xác: Thông tin tài khoản, số giấy tờ tùy thân, biển số xe và số tiền cần nạp.

Với hình thức nạp tiền trực tuyến, VDTC liên kết với nhiều ngân hàng (BIDV, Vietcombank, VietinBank, thẻ ATM nội địa, thẻ thanh toán quốc tế,...), ví điện tử (MoMo, VNPay, BankPlus), ứng dụng (Viettel Money, ePass),... khác nhau. Nhờ đó, khách hàng có thể thoải mái lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp nhất.

Phí nạp tiền vào tài khoản ePass bao nhiêu?

Tùy theo phương thức nạp tiền, phí nạp tiền ePass cụ thể như sau:

  • Viettel Money, BankPlus, nạp tiền tại điểm dịch vụ: Miễn phí.

  • ATM nội địa: 880đ + 0.66% giá trị giao dịch (đã bao gồm VAT)

  • Thẻ quốc tế: 2000đ + 2% giá trị giao dịch (đã bao gồm VAT)

  • Momo: 1500đ + 0.85% giá trị giao dịch (chưa bao gồm VAT)

  • VNPay: 1,300đ + 0.8% giá trị giao dịch (chưa bao gồm VAT)

  • Trên ứng dụng BIDV, Vietcombank, Vietinbank: Theo biểu phí nhà cung cấp dịch vụ thanh toán

Kiểm tra số dư tài khoản ePass như thế nào?

Để lưu thông thuận tiện qua các làn ETC, tài xế cần thường xuyên kiểm tra số dư để đảm bảo tài khoản ePass đủ để thanh toán. Có 2 cách để kiểm tra số dư tài khoản ePass:

  • Đăng nhập trên ứng dụng ePass trên di động hoặc website chính thức của ePass để kiểm tra: Miễn phí.

  • Gọi tổng đài CSKH 19009080: Mất phí (1000đ/p).

Trên đây là một số thông tin tài xế cần biết khi tìm hiểu về dịch vụ thu phí không dừng ePass. Đừng quên theo dõi các Tin Tức của ELCOM để cập những thông tin mới về Thu phí không dừng.