Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Vũ trụ ảo khiến các thành phố trở nên “thông minh” như thế nào?

time 04 tháng 10, 2022

Công nghệ vũ trụ ảo metaverse có thể cải thiện các dịch vụ của thành phố hoặc thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đồng thời thay đổi nhiều mặt khác của đời sống.


Ngày càng nhiều thành phố trên thế giới nghiên cứu, tìm cách triển khai công nghệ Metaverse nhằm quản lý hiệu quả hơn các dịch vụ công. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy sự phát triển hoạt động kinh tế của doanh nghiệp.

1. Vũ trụ ảo metaverse là gì?

Metaverse (Tạm dịch: Vũ trụ ảo) được hiểu là không gian ảo. Tại đó, con người không chỉ tương tác, nhìn vào những gì trực tuyến mà còn có thể tham gia, thực hiện nhiều hoạt động ảo mà họ vẫn thường làm trong thế giới thực. Chẳng hạn như giao lưu kết bạn, học tập, mua hàng, thậm chí là đi du lịch.

Xem thêm bài viết:

Vậy, tại sao các thành phố thông minh (Smart City) nên nghiên cứu và đưa metaverse vào ứng dụng trong thực tiễn?

2. Xu hướng phát triển chung của thế giới

Việc Facebook - Mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay thay đổi tên công ty thành Meta đã xác định sứ mệnh đề ra. Không chỉ đơn thuần là nơi kết nối trực tuyến, đó còn là nơi người dùng tương tác ảo tại một thế giới kỹ thuật số mới, được gọi là metaverse.

Steve Zoegall -  người phụ trách về các thành phố toàn cầu, hạ tầng quan trọng và giao thông của Accenture, cho biết công nghệ vũ trụ ảo đang ở trong “giai đoạn chiến lược và đổi mới”. 

Đối với một số thành phố, công nghệ metaverse vẫn còn là một điều mới lạ, trong khi những thành phố khác đang tích cực nghiên cứu, xác định mục tiêu phát triển.

Tại Hàn Quốc, Chính quyền Thủ đô Seoul, vào cuối năm 2021, đã công bố ý định thiết lập một nền tảng metaverse để bắt đầu cung cấp dịch vụ công theo khái niệm hoàn toàn mới. Đó cũng là một phần của Kế hoạch tổng thể xúc tiến Metaverse Seoul trong 5 năm tới.

Seoul tuyên bố rằng nền tảng metaverse sẽ tạo ra một hệ sinh thái tổng hợp cho tất cả các lĩnh vực quản lý của thành phố, bao gồm kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục và dịch vụ công dân.

Ví dụ, bắt đầu từ năm 2023, Lễ hội Đèn lồng Seoul và các sự kiện khác sẽ được tổ chức trong vũ trụ ảo. Nhờ đó, công dân khắp thế giới đều có thể tham gia, ngay cả khi họ không có mặt tại Hàn Quốc.

Seoul cũng sẽ sử dụng nền tảng này để phát triển các dịch vụ cho những người dễ bị tổn thương về mặt xã hội, bao gồm những tiện ích cho người khuyết tật. Đồng thời mở rộng nền tảng này tới tất cả các lĩnh vực quản lý của thành phố để nâng cao hiệu quả.


Văn phòng tại Hàn Quốc được thiết kế không khác gì thế giới thực - Ảnh: Internet

Dubai cũng đã công bố chiến lược metaverse của riêng mình vào tháng trước. Mục tiêu biến thành phố trở thành “một trong mười nền kinh tế metaverse hàng đầu thế giới” và “một trung tâm toàn cầu cho cộng đồng metaverse”.

Chiến lược hướng tới thúc đẩy sự đổi mới, thu hút các công ty mới tới Dubai, hỗ trợ giáo dục tổng hợp và áp dụng công nghệ Web 3.0 để tạo ra các mô hình làm việc mới của chính phủ.

Ngoài những ví dụ cụ thể nêu trên, rất nhiều thành phố thông minh khác trên thế giới đã và đang nghiên cứu, phát triển và đưa công nghệ vũ trụ ảo vào thực tiễn đời sống.

3. Metaverse giúp các thành phố trở nên thông minh như thế nào?

Nhiều người vẫn còn lầm tưởng, metaverse chỉ đơn thuần là nền tảng trò chơi hoặc một cộng đồng người sử dụng mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, metaverse có khả năng phát triển nhiều hơn thế.

Công nghệ vũ trụ ảo nâng cao chất lượng cuộc sống

Thành phố thông minh là thành phố học tập. Tại đây, người dân sử dụng các cảm biến từ Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), máy quay video, camera thông minh, mạng xã hội và các nguồn khác để thu thập thông tin cần thiết.

Thành phố thông minh sẽ cung cấp những dịch vụ tương tác thông minh hơn. Họ sẽ sử dụng ngày càng nhiều công cụ kỹ thuật số để thu thập dữ liệu thiết yếu và điều chỉnh các hệ thống, giải pháp, dịch vụ theo nhu cầu thực tế.

Một số dữ liệu môi trường như chất lượng không khí, mức tiêu thụ và cung cấp năng lượng, chỗ đậu xe có sẵn, lưu lượng người đi bộ và xe đạp, phương tiện giao thông trên đường, thông tin về các vụ tai nạn cũng sẽ được thu thập, phân tích và cập nhật liên tục đến những đối tượng có nhu cầu.

Nếu được sử dụng đúng cách, những thông tin này sẽ cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ công, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Hiện tại, tác động thực tế của những công nghệ này ở các thành phố còn hạn chế. 

Nhưng các thành phố thông minh trong tương lai sẽ kết hợp nhiều nguồn dữ liệu,  tạo ra các cặp song sinh kỹ thuật số (Digital Twin) để mô phỏng tác động của sự thay đổi. Dữ liệu về các hoạt động hàng ngày được đưa vào các mô hình. Khi thu thập được càng nhiều dữ liệu, thành phố càng có khả năng thích ứng tốt hơn với nhu cầu của cư dân.

Mô hình hóa các thành phố

Công nghệ này được ứng dụng theo nhiều cách khác nhau. Đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc tạo ra cách thức chia sẻ, trao đổi thông tin dễ dàng hơn, từ những thông tin mang tính khẩn cấp cho tới những hoạt động đơn giản hàng ngày.

Các nghiên cứu về ​​metaverse ngày nay là sự kết hợp và xây dựng dựa trên những sáng kiến trước đây.

Ví dụ, trước đó, nhà quy hoạch thành phố Boston đã sử dụng mô hình bằng gỗ để thiết kế tương lai của thành phố. Tuy nhiên, các mô hình này tốn nhiều công sức và không thể mô phỏng tác động của những yếu tố ngoại cảnh (như thời tiết).

Do đó, Sở Kế hoạch Boston đã tạo ra một thành phố bản sao kỹ thuật (thành phố ảo) dựa trên công nghệ metaverse để cho người dân thấy tác động của những thay đổi cơ sở hạ tầng trước khi chúng xảy ra.

Thành phố Los Angeles cũng đã tạo ra một mô hình ảo của cây cầu Sixth Street Viaduct trước khi xây dựng và đưa nó vào sử dụng. Đây được biết đến là cây cầu đắt nhất Los Angeles tính đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, công nghệ Metaverse giúp hợp lý hóa việc phê duyệt các dự án xây dựng và cải tạo của cư dân. Ví dụ, trong tình huống khi một cư dân cần được chấp thuận để xây dựng ngôi nhà mới, nếu có thể mô phỏng nó trong metaverse, quá trình xem xét và phê duyệt sẽ thuận lợi hơn.


Cầu Sixth Street Viaduct đã được xây dựng mô hình ảnh trước khi xây dựng trong thực tế - Ảnh: Internet

Cư dân thông minh

Cư dân sinh sống tại các thành phố thông minh cũng có cuộc sống hiện đại, thuận tiện hơn nhờ metaverse. 

Xây dựng thành phố thông minh không chỉ kết thúc bằng việc triển khai các công nghệ mới. Người dân cần biết cách sử dụng công nghệ và cảm thấy thoải mái với chúng. Thành phố thông minh cần những công dân và quan chức chính phủ hiểu biết về công nghệ.

Có nhiều cách giúp đưa công nghệ metaverse đến gần hơn và trở nên quen thuộc với công chúng. Một số thành phố đã hợp tác với các công ty công nghệ để ra mắt trò chơi metaverse - chơi để kiếm tiền (Play to earn).

Tại đó, người chơi sẽ sinh sống trong các thành phố ảo, lao động, sản xuất, mở khóa các bộ sưu tập hoặc tìm kiếm vật phẩm/phần thưởng kỹ thuật số, sau đó quy đổi chúng thành tài sản ở thế giới thực.

Ngoài ra, không thể thiếu những phương thức quảng cáo, tuyên truyền từ phía chính phủ và các nhà quy hoạch thành phố, để công chúng có thể sẵn sàng đón nhận metaverse khi nó được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong đời sống.

4. Vũ trụ ảo: Cơ hội hay thách thức?

Công nghệ vũ trụ ảo mang đến nhiều thay đổi vô cùng tích cực đối với thành phố thông minh: Kiếm tiền trong thế giới ảo, trao đổi thông tin, thu thập lượng dữ liệu lớn, mô hình hóa cơ sở hạ tầng trong tương lai,...

Tuy nhiên, tồn tại cạnh đó là không ít những thách thức cần các nhà hoạch định thành phố giải quyết. Vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay mà các thành phố đều lo ngại là gia tăng sự bất bình đẳng.

Nếu không được lập kế hoạch đúng cách, metaverse có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân hóa giàu nghèo. Trên thực tế, những thiết bị công nghệ như tai nghe/kính thực tế ảo, cho phép người dùng trải nghiệm đầy đủ metaverse có giá bán rất cao, thậm chí lên tới hàng nghìn đô la.


Các thiết bị thực tế ảo metaverse thường có giá trị cao - Ảnh: Internet

Mối quan tâm này đặc biệt rõ ràng một số quốc gia có một bộ phận cư dân thiểu số chưa tiếp cận với công nghệ trực tuyến. Do đó, cư dân không thể hoàn toàn kết nối với nhau, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình truyền tải thông tin.

Chính vì vậy, để đưa công nghệ vũ trụ ảo vào thực tiễn, chính phủ cần kết hợp với công dân để đưa ra những biện pháp khắc phục vấn đề cụ thể. Đồng thời, thực hiện cách tiếp cận theo từng giai đoạn, tiến hành thử nghiệm, thu thập, xem xét phản hồi trước khi tiến hành những dự án quan trọng, quy mô lớn.

Từ những tác động hiện tại, có thể thấy được trong tương lai, metaverse sẽ tạo ra những bước ngoặt rất lớn đối với sự phát triển toàn cầu, mở rộng mọi mặt cuộc sống hàng ngày và làm thay đổi cách các thành phố hoạt động.

Nguồn tham khảo:

https://www.smartcitiesdive.com/news/cities-metaverse-engagement-seoul-dubai-santa-monica/629104/